20 tháng 10 2009

ẤN ĐỘ - CUỘC ĐẤU TRANH ĐÒI ĐỘC LẬP TỪ 1918 ĐẾN 1945


          1. Tình hình Ấn Độ sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Đường lối đấu tranh của M.Ganđi.
          Ấn Độ là thuộc địa lớn nhất và giữ vị trí quan trọng nhất trong hệ thống thuộc địa của thực dân Anh. Về chính trị, Ấn Độ tạo lợi thế cho đế quốc Anh trong so sánh lực lượng với các đế quốc khác. Về kinh tế, thuộc địa rộng mênh mông này cung cấp cho Anh nguồn nguyên liệu hết sức dồi dào (đặc biệt là bông, sợi), nguồn nhân công rẻ mạt và nguồn lợi nhuận cao. Về quân sự, đây là vị trí chiến lược giúp Anh khống chế và bảo vệ cả vùng Ấn Độ Dương, các thuộc địa ở Đông Nam Á, Trung Đông. Do vậy, thực dân Anh luôn tìm cách duy trì sự thống trị của chúng ở Ấn Độ .
          Nền thống trị của Anh ở Ấn Độ, một mặt làm cho đời sống nhân dân ngày càng trở nên bần cùng, song mặt khác, nó đã tạo ra những thay đổi lớn lao trong xã hội Ấn Độ . Kinh tế tư bản chủ nghĩa xâm nhập vào các cộng đồng, liên kết người dân Ấn Độ thành một khối trong ý thức dân tộc, giai cấp tư sản Ấn Độ ngày càng lớn mạnh, vươn lên lãnh đạo cuộc đấu tranh đòi độc lập dân tộc thông qua chính đảng của nó - Đảng Quốc Đại. Cuộc đấu tranh của nhân dân Ấn Độ càng trở nên mạnh mẽ hơn kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
          Trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đế quốc Anh đã tìm mọi cách huy động sức người, sức của của Ấn Độ nhằm phục vụ cho cuộc chiến tranh đế quốc của chúng. Chúng đã cướp đi của nhân dân Ấn Độ 36 triệu tấn trang thiết bị vật tư các loại, 5 triệu tấn lương thực và 1,5 triệu người. Điều này làm cho đời sống người dân càng trở nên cùng cực. Trong những năm 1918 -1919 hơn 12 triệu người Ấn Độ bị chết đói.
          Mặt khác, để bòi rút tối đa của cải ở Ấn Độ và giữ Ấn Độ trong trại thái an toàn, thực dân Anh đã đưa ra những nhượng bộ chính trị và kinh tế cho tư sản Ấn Độ. Lợi dụng hoàn cảnh này, tư sản Ấn Độ đã tăng cường sức mạnh trong những năm chiến tranh. Cùng với quá trình đó số lượng công nhân Ấn Độ cũng tăng lên. Trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất số lượng công nhân chưa đến 1 triệu người, sau chiến tranh đã tăng lên 2,5 triệu người.
          Trong lúc những mâu thuẫn gay gắt của xã hội Ấn Độ đang diễn ra, cuộc Cách mạng tháng Mười Nga nổ ra đã làm cho thực dân Anh lo sợ. Một mặt chúng tìm cách trấn áp những người yêu nước bằng cách thông qua đạo luật Râulét vào tháng 3 năm 1919, mặt khác chúng tìm cách thoả hiệp với các giai cấp tư sản và địa chủ Ấn Độ bằng cách đưa ra cải cách Môntagu - Tremmơsphod hòng ổn định cục diện chính trị ở Ấn Độ. Tuy nhiên, ở Ấn Độ đã bùng nổ một phong trào đấu tranh mạnh mẽ nhất kể từ sau 1905, dưới sự lãnh đạo của Đảng Quốc Đại, theo đường lối của M.Ganđi.
          Mahatma Ganđi (02/06/1869 - 30/01/1948) tên thật là Mohandas Karamchand Ganđi, xuất thân trong một gia đình quan lại xứ Porbanđa, thuộc đẳng cấp Vaxia. Từ năm 1888 đến 1891 ông học luật ở Anh và sau đó hành nghề với tư cách luật sư ở Nam          Phi (1893 - 1914). Tại Nam Phi, lần đầu tiên Ganđi họat động chính trị và nhanh chóng trở thành người lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân Ấn Độ chống lại sự phân biệt đối xử ở Nam Phi. Các cuộc đấu tranh do Ganđi lãnh đạo ở Nam Phi đều được tổ chức với ý thức không sử dụng bạo lực. Ông đặt tên cho hình thức đấu tranh này là Satiagraha, tức là "kiên trì chân lý" và nó trở thành hạt nhân học thuyết "Bất bạo lực"- cốt lõi của đường lối đấu tranh do Ganđi đề xướng.
          Điều chú ý là Ganđi kiên quyết chống lại việc áp dụng cho thuật ngữ Satiagraha bằng thuật ngữ "phản kháng thụ động", bởi chúng khác nhau "như cực Bắc khác với cực Nam", đó là sự khác nhau giữa một "vũ khí mạnh mẽ nhất" với một vũ khí yếu ớt. Theo Ganđi, người Ấn Độ cần sử dụng phương thức đấu tranh bất bạo lực, vì: "nếu chúng ta đối xử với người Anh một cách công bằng và hợp lý, thì ngày giải phóng đất nước Ấn Độ chúng ta càng sớm đến. Trái lại, nếu ta coi họ như thù nghịch, thì ngày đó chưa biết đến bao giờ", vả lại "bản ngã của con người là sự ôn hoà, mực thước" và "người Ấn Độ còn nhiều sứ mệnh cao cả phải theo đuổi chứ đâu chỉ có mục đích trừng trị những kẻ độc ác trên trái đất này", hơn nữa "tôn giáo không dạy ta ghét bỏ người ngoại quốc. Tôi còn để lòng nhân lên trên lòng yêu nước của tôi".
          Cùng với tư tưởng bất bạo lực, Ganđi đề ra tư tưởng "bất hợp tác" và xem đó là một trong những biện pháp đảm bảo sự thắng lợi của cuộc đấu tranh. Ông nói: "Ai giữ đất Ấn trong tay người Anh? chính là chúng ta vậy, chúng ta thích những sự tiện lợi của nền văn minh máy móc người Anh mang đến. Chúng ta ham lợi mà buôn bán với họ". Theo ông, "Người Ấn không thể chống lại người Anh về phương diện này, mà còn hợp tác với họ về phương diện kia", "Tẩy chay hàng hoá của người Anh chưa đủ, còn phải tẩy chay các học đường, các toà án, các công sở, tư sở, các huy chương khen tặng của người Anh; tóm lại, bất hợp tác trong tất cả mọi ngành”. Bởi vì "phong trào bất hợp tác không có tính cách tranh đấu tích cực như hội họp và kích thích dân chúng công nhiên kháng Anh, nên không thể gây ra đổ máu được".
          Để đảm bảo cho công cuộc giải phòng Ấn Độ theo đường lối "bất hợp tác trong bất bạo lực”, Ganđi chủ trương tiến hành đoàn kết các lực lượng dân tộc. Ông luôn đấu tranh cho sự hoà hợp dân tộc, đặc biệt là vấn đề đẳng cấp và tôn giáo.
          Học thuyết của Ganđi về bất bạo lực thể hiện tính chất phức tạp và hai mặt trong lập trường của tư sản Ấn Độ. Một mặt tư sản Ấn Độ muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vào tư bản Anh nên ban đầu huy động quần chúng đấu tranh, mặt khác tư sản Ấn Độ cũng không muốn quyền lợi của mình bị đe dọa nên họ đã hạn chế cuộc đấu tranh này trong phạm vi bất bạo lực. Tuy nhiên, trong một xã hội mà sự phân chia đẳng cấp và tôn giáo cùng với ách thống trị thực dân đã làm mờ đi những mâu thuẫn về giai cấp thì đường lối của Ganđi đã được chấp nhận. Ông là người đã tiến hành "Tổng kết hệ thống qua điểm triết học và đường lối chính trị, xã hội của tư sản Ấn Độ”(1) và được toàn thể nhân dân Ấn Độ gọi bằng cái tên trìu mến Mahatma (Tâm hồn vĩ đại).
          2. Cuộc đấu tranh của nhân dân Ấn Độ trong những năm 1919 -1922.
          Dưới sự lãnh đạo của Đảng Quốc Đại theo đường lối của M.Ganđi, cuộc đấu tranh chống thực dân Anh đã nổ ra hết sức mạnh mẽ trong những năm 1919 - 1922. Nét đặc trưng của phong trào đấu tranh trong thời kỳ này là sự tham gia của đông đảo các tầng lớp, từ công nhân đến nông dân, những người buôn bán, người Ấn, người Hồi. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 1920 ở Ấn Độ đã nổ ra 200 cuộc bãi công với 1,5 triệu người tham gia. Công nhân đã thành lập các tổ chức nghiệp đoàn, năm 1920, Hội Công Liên Ấn Độ được thành lập.
          Từ những cuộc đấu tranh của công nhân, phong trào đã phát triển mạnh mẽ với sự tham gia của mọi tầng lớp cư dân thành thị và các khu vực nông thôn lân cận nhằm chống lại đạo luật Râulét. Ngày 30 tháng 3 và ngày 6 tháng 4 năm 1919 ở các thành phố nhân dân đã tiến hành hartan(2). Trong quá trình đấu tranh, tình đoàn kết anh em giữa người Ấn và người Hồi được củng cố vững chắc ở phong trào Khaliphát. Trước sự phát triển của phong trào thực dân Anh đã tiến hành đàn áp hết sức giã man. đặc biệt ngày 13 tháng 4 năm 1919, dưới sự chỉ huy của Tướng Đaiơ, quân đội đã xả súng bắn vào một đám đông đang tiến hành một cuộc biểu tình ở Amritsa, giết hại khoảng 1.000 người và làm bị thương khoảng 2.000 người(3) . Sự kiện này đã làm cho cuộc đấu tranh của nhân dân Ấn Độ ngày càng mạnh mẽ. Từ Pengiáp, phong trào đấu tranh lan ra các nơi khác như Ahmêdabat, Gutgierat, Bombay, Cancuta, các tỉnh liên hiệp, Biha, Orisa. Cuộc vận động bất hợp tác được triển khai trong toàn quốc. Hoảng sợ , chính quyền thực dân đã bắt tất cả các nhà lãnh đạo nổi tiếng của đảng Quốc đại, trừ Ganđi (1921). Tuy nhiên, phong trào đấu tranh của quần chúng đang phát triển đến đỉnh cao. Giữa lúc đó sự kiện Sauri - Saura và Bácđôli diễn ra.
          Tháng 2 năm 1922, nhân dân Sauri - Saura căm phẫn trước việc cảnh sát nổ súng vào đoàn biểu tình nên đã tấn công đốt cháy đồn cảnh sát, giết chết 22 tên. Thực tế này cho thấy đường lối "Bất bạo lực" đã bị vượt qua. Trước tình hình đó, Ganđi vội vã triệu tập Hội nghị Ban chấp hành Đảng Quốc Đại vào ngày 12 tháng 2 năm 1922 ở Bácđôli, quyết định đình chỉ phong trào bất hợp tác, thay vào đó là một chương trình "Xây dựng” (kéo sợi, giáo dục.) mang tính chất ôn hoà. Quyết định này đã làm cho phong trào đấu tranh bị giảm sút nhanh chóng. G.Nêru cũng thừa nhận là quyết định này "đã phần nào gây ra tình trạng mất tinh thần. Có thể nói rằng việc bóp nghẹ đột ngột phong trào rộng lớn đã góp phần tạo ra một tình hình bi thảm trong nước” . Phải mất 6 năm sau phong trào đấu ranh của nhân dân Ấn Độ mới phát triển trở lại.
          3. Tình hình Ấn Độ những năm 1923 - 1928.
          Sau nghị quyết Bácđôli, thực dân Anh càng tăng cường hơn nữa chính sách đàn áp phong trào đấu tranh, Ganđi bị kết án 6 tháng tù giam (tháng 3 năm 1922). Đồng thời với sự đàn áp là chính sách chia rẽ dân tộc, gây thù hằn giữa các tôn giáo, thực dân Anh đã kích động để gây ra những cuộc xung đột máu thê thảm giữa người Ấn và người Hồi vào năm 1925 nhằm phá vỡ tình đoàn kết Ấn - Hồi đã được cũng cố từ năm 1916. Cũng trong thời gian này, thực dân Anh tiến hành đàn áp gắt gao trước họat động của những người cộng sản Ấn Độ trên đường tiến đến thành lập Đảng.
          Lúc bấy giờ uy tín của Đảng Quốc Đại Ấn Độ bị giảm sút nghiêm trọng trong quần chúng nhân dân. Số lượng đảng viên từ chỗ 10 triệu người đến năm 1924 chỉ còn khoảng 30 vạn người. Đảng Quốc Đại thực hiện “chương trình xây dựng” do Ganđi đề ra, kêu gọi nhân dân khôi phục các nghề thủ công truyền thống, chống các tệ nạn xã hội (uống rượu, hút thuốc phiện), đấu tranh xoá bỏ chế độ đẳng cấp. Năm 1925, hội những người kéo sợi được thành lập do Ganđi đứng đầu. Hội có nhiệm vụ truyền bá tư tưởng của Ganđi trong nhân dân, góp phần đấu tranh bài trừ hàng ngoại hoá nhằm giúp người lao động thoát khỏi sự bóc lột của chủ nghĩa đế quốc. Trong thực tế, Hội đã có ảnh hưởng rộng rãi trong quần chúng ở nông thôn.
          Nhìn chung, phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân đã lắng xuống. Tuy nhiên, đây cũng là thời kỳ chuẩn bị lực lượng cho một cuộc đấu tranh mới.
          Từ những nhóm cộng sản đầu tiên xuất hiện vào năm 1922, đến 1924, các nhóm cộng sản đã bí mật họat động ở Ấn Độ và ngày càng tăng cường truyền bá các tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin vào Ấn Độ . Năm 1923, nhóm những người cộng sản ở Bombay đã xuất bản tạp chí "Người xã hội chủ nghĩa” do S.A.Dange làm chủ biên. Những người cộng sản Ấn Độ tham gia họat động trong các chi bộ cơ sở của Đảng Quốc Đại và tích cực tiến hành các cuộc đấu tranh cùng với công nhân . Trong quá trình đấu tranh của phong trào công nhân trong thời kỳ này, công nhân Bombay đã dẫn đầu phong trào. Năm 1925, Bombay chiếm 51% tổng số các cuộc bãi công trong toàn quốc. Cũng trong năm 1925 đã diễn ra cuộc bãi công của công nhân đường xe lửa Tây Bắc Ấn Độ. Năm 1926 công nhân đường sắt Bengan - Nátpua đã tiến hành một cuộc bãi công lớn, chính quyền thực dân phải huy động quân đội đến đàn áp.
          Từ năm 1927 phong trào đấu tranh của nông dân Ấn Độ đã bắt đầu lan rộng và đến năm 1928 đã phát triển. Tiêu biểu nhất là cuộc đấu tranh đòi giảm tô tức, sưu thuế của hơn 8 vạn nông dân vùng Bácđôli thuộc tỉnh Bombay. Nhiều vụ xô xát đã xảy ra giữa nông dân và địa chủ, bọn thu thuế và chính phủ nhiều lần phải phái quân đội đến đàn áp.
          Sự phục hồi của phong trào đấu tranh quần chúng cùng với những ảnh hưởng mạnh mẽ của phong trào cách mạng thế giới cũng như các thành tựu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, những tin tức thắng lợi cuộc cách mạng Trung Quốc đang đấu tranh, đã tác động mạnh mẽ đến cuộc đấu tranh của nhân dân Ấn Độ. Năm 1926, đảng Công nông ra đời ở Bengan và tháng 5 năm 1927 đã thông qua một bản cương lĩnh trong đó có những điểm mới đối với Ấn Độ như đấu tranh giành độc lập hoàn toàn cho Ấn Độ, tiến tới thành lập một nước cộng hoà dân chủ Ấn Độ, thủ tiêu quyền chiếm hữu ruộng đất của đại địa chủ phong kiến, quốc hữu hoá những xí nghiệp quan trọng có lợi ích công cộng, ban hành luật ngày làm 8 giờ và quy định tiền lương tối thiểu. Trong những năm 1927 - 1928, nhiều đảng Công nông khác được thành lập ở Bombay, Biha, các tỉnh biên giới Tây Bắc và nhiều tỉnh khác.
          Nhìn chung các đảng Công nông chưa phải là đội tiền phong chân chính của công nhân Ấn Độ bởi tính chất phức tạp của nó. Riêng đảng Công nông Bombay tỏ ra cách mạng nhất với tờ báo "Tia sáng” - một tờ báo chủ yếu tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, giáo dục đường lối cách mạng vô sản cho giai cấp Ấn Độ .
4. Cuộc đấu tranh của nhân dân Ấn Độ trong những năm 1929 - 1939.
          Cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 - 1939 ở các nước tư bản chủ nghĩa đã tác động mạnh mẽ đến Ấn Độ. Nền kinh tế Ấn Độ trở nên hết sức khó khăn. Công nghiệp bị thu hẹp lại. Tiền lương công nhân bị hạ xuống 30-40%, số công nhân bị sa thải ngày càng tăng. Sản xuất nông nghiệp cũng bị giảm sút nghiêm trọng, đời sống của nhân dân trở nên cùng cực. Cũng trong thời gian này, quá trình tập trung và tích tụ tư bản, quá trình thành lập các công ty tư bản Anh - Ấn được đẩy mạnh. Hai ngành công nghiệp mới ở Ấn Độ ra đời là công nghiệp đường và xi măng, phần lớn nằm trong tay tư bản Ấn Độ . Thực tế cuộc khủng hoảng kinh tế ở Ấn Độ đã làm cho mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc và đế quốc Anh càng trở sâu sắc và nó đã tạo ra phong trào đấu tranh sôi nổi trong những năm trước Chiến tranh thế giới thứ hai.
          Lúc bấy giờ, trong nội bộ Đảng Quốc Đại đã xuất hiện nhóm "tự trị” với những chủ trương cấp tiến của G.Nêru. Phái tả trong Đảng do G.Nêru đứng đầu gồm những đảng viên trẻ tuổi chủ trương họat động chính trị trong và ngoài nước, liên hệ và tìm sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Mục tiêu của phái tả đề ra là "tự trị” hoàn toàn. Đại hội Laho năm 1929 đã bầu G.Nêru làm Chủ tịch Đảng Quốc Đại. Sự chuyển biến này của Đảng Quốc Đại đánh dấu một bước tiến mới của phong trào đấu tranh đòi độc lập ở Ấn Độ .
          Thực tế, sự phục hồi của phong trào quần chúng đã diễn ra từ năm 1928, khi chính phủ Anh cử phái đoàn Simơn đến Ấn Độ để "Nghiên cứu một bản dự thảo Hiến pháp” cho Ấn Độ. Đảng Quốc Đại kêu gọi quần chúng tẩy chay phái đoàn Simơn với khẩu hiệu "Simơn cút đi”.
          Với việc Đảng Quốc Đại nêu cao khẩu hiệu "Tự trị hoàn toàn”, của phong trào đấu tranh của quần chúng càng phát triển mạnh mẽ. Vào lúc nửa đêm ngày cuối cùng của năm 1929, bước sang năm 1930., G. Nêru đã trịnh trọng kéo lá cờ 3 sắc (đỏ, trắng, xanh lá cây)(1) được chọn làm Quốc kỳ của nước Ấn Độ độc lập trong tiếng hô vang của các đại biểu Cách mạng muôn năm”. Ngay sau đó, nhiều cuộc biểu tình rầm rộ được tổ chức khắp đất nước vào ngày 26 tháng 1 năm 1930. Trong các cuộc biểu tình này, người Ấn Độ đã đọc lời thế đấu tranh cho nền độc lập của đất nước(2) .
          Sau ngày 26 tháng 1 năm 1930, M.Ganđi đã nêu yêu sách 11 điểm trên tờ “Ấn Độ trẻ” đòi thực dân Anh cải cách kinh tế, trả tù chính trị. Tiếp đó, M.Ganđi yêu cầu nhà cầm quyền Anh phải bỏ chính sách độc quyền về muối. Chính quyền Anh đã bác bỏ các yêu cầu này và M.Ganđi chính thức phát động một chiến dịch "phản kháng bất bạo lực” mới gọi là "chiến dịch đi lấy muối” vào tháng 2 năm 1930. Tháng 4 năm 1930, M.Ganđi tiếp tục phát động phong trào "Bất hợp tác” với mục tiêu:
          - Không tuân theo luật lệ về độc quyền muối.
          - Tẩy chay hàng vải ngoại hoá.
          - Tổ chức các đội kiểm soát việc mua bán vải vóc ở các cửa hàng.
          - Kiểm soát sự lui tới ở các quán rượu và tiệm hút.
          - Bãi bỏ sự đối xử bất công với những người thuộc đẳng cấp "không thể đụng đến”.
          - Tổ chức biểu tình chống đế quốc Anh và các cuộc bãi công, bãi khoá của công nhân học sinh sinh viên và viên chức.
          Phong trào này được mọi tầng lớp trong xã hội Ấn Độ hưởng ứng đông đảo. Điều này làm cho thực dân Anh hết sức lo sợ. Tháng 5 năm 1930 chính quyền Anh ra lệnh bắt giam M.Ganđi và sau đó tuyên bố đặt mọi tổ chức, đảng phái chính trị (kể cả Đảng Quốc Đại) ra ngoài vòng pháp luật, chỉ trong năm 1930 có 60.000 người bị bắt.
           Sự đàn áp của thực dân Anh càng làm cho phong trào quần chúng trở nên mạnh mẽ quyết liệt. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân vùng Sôlaqua, Petsava, các cuộc bãi công ở Bombay, Bengan, Pengiáp, Mađrát. Trong phong trào đấu tranh, các tầng lớp nhân dân đã hình thành một cách tự nhiên mặt trận nhân dân thống nhất chống thực dân Anh. Tuy nhiên các cuộc đấu tranh đều tự phát, thiếu sự lãnh đạo, tổ chức chu đáo nên đã thất bại trước sự đàn áp của chính quyền thực dân.
          Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào quần chúng, ngày 26 tháng 1 năm 1931 thực dân Anh vội thả M.Ganđi và nhiều lãnh tụ khác của Đảng Quốc Đại. Ngày 5 tháng 3 năm 1931, M.Ganđi ký với Phó vương Iếcuyn một bản "hiệp định Ganđi - Iếcuyn”, quy định đình chỉ phong trào bất hợp tác trong toàn quốc và tiến hành “hội nghị bàn tròn” sẽ họp ở Luôn Đôn nhằm thảo luận một bản dự thảo hiến pháp mới cho Ấn Độ .
          Tại "hội nghị bàn tròn” Ganđi hy vọng đàm phán với chính phủ Anh trên cơ sở "dự án Môtilan Nêru”(1), còn chính phủ Anh đi đến hội nghị vói ý đồ củng cố địa vị thống trị Ấn Độ bằng chính sách chia rẽ các cộng đồng tôn giáo và đẳng cấp trong xã hội Ấn Độ , do đó hội nghị không đạt được một kết quả nào. Tháng 1 năm 1932, M.Ganđi về nước và tuyên bố phát động lại phong trào bất hợp tác mới trong toàn quốc. Phong trào bất hợp tác mới kéo dài đến cuối năm 1932 mới kết thúc, tuy nhiên do sự đàn áp mạnh mẽ của chính quyền thực dân nên quy mô của nó không rộng lớn như năm 1930.
          Cũng trong thời kỳ này, phong trào công nhân Ấn Độ được củng cố qua các cuộc đấu tranh. Các tiểu tổ cộng sản đã tăng cường các họat động chung và tháng 11 năm 1933, các tiểu tổ cộng sản đã hợp nhất với nhau, thành lập Đảng Cộng sản Ấn Độ, cử ra Ban chấp hành trung ương lâm thời của Đảng. Một chương trình hành động chung đã được Ban chấp hành trung ương lâm thời đưa ra nhằm tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Ấn Độ . Tuy nhiên, trong điều kiện của xã hội Ấn Độ, cùng với sự đàn áp tàn bạo những người cộng sản của chính quyền thực dân, những họat động của Đảng Cộng sản Ấn Độ được tiến hành trong điều kiện cực kỳ khó khăn. Tháng 7 năm 1934, Đảng Cộng sản Ấn Độ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật và mãi đến năm 1943 Đảng mới có thể tiến hành Đại hội lần thứ nhất.
          Năm 1933, Nghị viện Anh thông qua một đạo luật mới về việc cai trị Ấn Độ. Và đến năm 1935, nó được công bố cho nhân dân Ấn Độ với tên gọi là "Hiến pháp mới” của Ấn Độ. Thực chất đây là một đạo luật thống trị, không thừa nhận quyền tự trị của nhân dân Ấn Độ. "Hiến pháp mới” đã gây nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ ở Ấn Độ, nhân dân   Ấn Độ gọi đây là "Hiến pháp nô dịch”, Đảng Quốc Đại tuyên bố sẽ đấu tranh đòi triệu tập Hội nghị lập hiến toàn Ấn Độ . Liên đoàn Hồi giáo cũng lên tiếng phản đối.
          Phong trào phản đối bản "Hiến pháp nô dịch” đã đoàn kết được tất cả các lực lượng chính trị thành một mặt trận thống nhất trên thực tế. Biểu hiện rõ nhất là cuộc mít tinh của nhân dân Bombay để phản đối "Hiến pháp mới”, tổ chức ngày 7 tháng 2 năm 1935, hầu hết các đảng phái chính trị và tổ chức quần chúng yêu nước đều tham gia tích cực vào cuộc mít tinh này. Tháng 4 năm 1936, Đại hội Tổng nông hội toàn quốc họp tại Lắcnao, kết án "Hiến pháp mới” và kêu gọi nông dân toàn quốc đoàn kết với các lực lượng tiến bộ đấu tranh chống thực dân. Tháng 5 năm 1936, tổng công hội Ấn Độ cũng tiến hành đại hội và ra Nghị quyết thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất, chủ trương hợp tác với Đảng Quốc Đại. Chính trong thời kỳ này Đảng Cộng sản Ấn Độ  đã tích cực tuyên truyền và tổ chức cho sự hình thành Mặt trận thống nhất chống đế quốc. Do vậy phong trào công nhân phát triển rất mạnh mẽ. Trong những năm trước Chiến tranh thế giới thứ hai, hàng năm ở Ấn Độ có gần 400 vụ đình công, thu hút từ 40 đến 50 vạn công nhân tham gia, trong số đó có khoảng 1/2 các cuộc đình công kết thúc thắng lợi.
          Thực dân Anh đã tìm đủ mọi cách để phá họai sự thống nhất của các lực lượng tiến bộ ở Ấn Độ vào một mặt trận dân tộc phản đế. Chúng ra sức lợi dụng các lãnh tụ phản động của Liên đoàn Hồi giáo và tổ chức Hinđu Mahasabha, gây ra nhiều vụ xung đột giữa người Ấn và người Hồi. Từ năm, 1937 đến 1939, ở Ấn Độ đã xảy ra 57 vụ xung đột đổ máu giữa các cộng đồng tôn giáo. Điều này đã làm suy yếu phong trào đấu tranh của quần chúng.
          Trong những năm trước Chiến tranh thế giới thứ hai, các lực lượng dân chủ trong nước, trong đó có các lãnh tụ Đảng Quốc Đại, đứng đầu là G.Nêru, đã tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, tỏ tình đoàn kết và ủng hộ nhân dân Tây Ban Nha, nhân dân Abixini (Êtiôpia ngày nay), nhân dân Trung Quốc, đang chiến đấu chống bọn phát xít xâm lược Đức, Italia, Nhật Bản. Đồng thời họ cũng ra sức chống lại âm mưu của thực dân Anh muốn lôi kéo Ấn Độ vào cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Mặc dù điều này đã không thành công, nhưng những họat động tích cực của G.Nêru và Đảng Quốc Đại đã có ý nghĩa lớn trong công cuộc đấu tranh đòi độc lập Ấn Độ ở giai đoạn sau này.
          5. Ấn Độ trong những năm Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945).
          Tháng 9 năm 1939, chính phủ Anh tự ý tuyên bố Ấn Độ là một nước tham chiến với Anh. Quyết định độc đoán này đã gây nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ trong nhân dân Ấn Độ. Khắp cả nước nhân dân đấu tranh đòi thành lập một chính phủ quốc gia Ấn Độ. Thực dân Anh đáp lại bằng cách đưa nửa triệu quân sang Ấn Độ.
       Tình hình Ấn Độ trở nên hết sức căng thẳng .Đời sống nhân dân lao động hết sức bi đát do chính sách vơ vét lương thực để cung cấp cho mặt trận của chính quyền thực dân.Chỉ tính riêng vùng Bengan đã có gần 4 triệu người chết đói.
        Để đối phó với phong trào đấu tranh của Ấn Độ, đế quốc Anh tăng cường chính sách gây thù hằn giữa người Ấn và người Hồi. Năm 1940, các lãnh tụ Liên đoàn Hồi giáo đòi chia cắt Ấn Độ ra thành hai quốc gia, một cho người Hồi giáo và một cho người theo Ấn Độ giáo. Được chính quyền thực dân hậu thuẫn, Liên đoàn Hồi giáo ra sức lôi kéo đông đảo người Hồi về phía mình.
          Cũng như trong những năm Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tư sản Ấn Độ lợi dụng tình hình và phát triển nhanh chóng. Tháng 8 năm 1942, Đảng Quốc Đại một lần nữa đòi thành lập chính phủ quốc gia Ấn Độ. Để đối phó, chính quyền thực dân tăng cường chính sách đàn áp bằng vũ lực. Nhiều lãnh tụ Đảng Quốc đại bị bắt, trong đó có G.Ganđi, G.Nêru, Abun Kalam Adát ... Sau đó sự phản đối của nhân dân cũng bị đàn áp dã man. Mặc dù vậy, những lực lượng dân chủ và tiến bộ trong nước ngày càng lớn mạnh trong những năm chiến tranh:Tổng Công hội toàn quốc đã củng cố được ảnh hưởng của mình trong giai cấp công nhân; các tổ chức nông dân cũng không ngừng phát triển. Năm 1942, Đảng Cộng sản Ấn Độ ra họat động công khai và sử dụng hình thức hợp pháp để mở rộng ảnh hưởng của mình trong quần chúng. Năm 1943, Đảng Cộng sản Ấn Độ đã tiến hành Đại hội lần thứ nhất. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức của giới trí thức tiến bộ cũng xuất hiện và phát triển mạnh mẽ như: Hội liên hiệp sinh viên và học sinh toàn quốc, Hội các nhà văn tiến bộ, Hội các nhà nghệ sỹ sân khấu...
      Có thể dễ dàng nhận thấy rằng phong trào đấu tranh của nhân dân Ấn Độ trong những năm Chiến tranh thế giới thứ hai được tiến hành với mục tiêu chủ yếu là đòi thành lập một chính phủ quốc gia ở Ấn Độ. Dù rằng những kết quả cụ thể còn bị hạn chế bởi các chính sách của thực dân Anh cũng như sự rạn nứt trong quan hệ giữa Đảng Quốc Đại và Liên đoàn Hội giáo, tuy nhiên đây là giai đoạn để nhân dân Ấn Độ chuẩn bị lực lượng để tiến sang một giai đoạn mới mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong những năm 1945-1947.


PGS. TS. VĂN NGỌC THÀNH


(1) Lịch sử Cận đại Ấn Độ, M.1961, trang 657 (tiếng Nga)
(2) Hartan (Hartal), nguyên nghĩa là cửa hiệu, là một hình thưc bãi công đặc biệt, đình chỉ tất cả mọi hoạt động.
(3) Con số này ở các tài liệu khác nhau đang thiếu sự thống nhất. Ví dụ: Cuốn lịch sử hiện đại, tập 1, NXB Sự thật, H.1962, ghi là gần 2000 người bị giết; Cuốn lịch sử thế giới hiện đại, NXB. ĐH và TH chuyên nghiệp, H.1984 ghi là hơn 2000 người bị giết; Cuốn lịch sử thế giới hiện đại, N. Giáo dục, H.1995 ghi là 379 người bị giết...
(1) Sau này màu đỏ được thay bằng màu vàng nghệ.
(2) Ngày 26 -1 trở thành "Ngày độc lập" của Ấn độ
(1) Dự án này được Đảng Quốc Đại thông qua năm 1928 với nội dung để cho Ấn Độ tự trị trong khối Liên hiệp Anh.