27 tháng 6 2013

Nhân bản vô tính bắt đầu từ Việt Nam?

Xin nói ngay là Không. Nhân bản vô tính (cloning) không phải bắt đầu từ Việt Nam.

Nói qua một chút về công nghệ vô tính, nếu như trước đây, quá trình biệt hóa các tế bào được mặc định như quá trình một chiều, diễn tiến theo hướng từ tế bào gốc thành các tế bào chuyên biệt. Điều này có thể được hình dung như việc một tảng đá lăn từ trên đỉnh xuống chân núi mà không thể có chiều ngược lại.

Hòn đá đó là tế bào khởi đầu, với động vật thì đó có thể là tế bào trứng sau khi được thụ tinh, trong quá trình lăn, hòn đá đó bị vỡ ra thành nhiều mảnh, tùy thuộc vào địa hình gập ghề lồi lóm khác nhau chúng gặp phải trên đường đi, mỗi mảnh sẽ lăn đến một vị trí khác nhau ở chân núi, quá trình này gọi là quá trình chuyên biệt hóa, có chức năng tạo ra các tế bào chuyên biệt, như tế bào cơ, tim, gan, thần kinh… từ một tế bào khởi đầu.
Quá trình phát triển thông thường của con người là quá trình biệt hóa tế bào một chiều, từ trứng đã thụ tinh thành bào thai và sau đó là người trưởng thành.
B. Waddington đã minh họa quá trình biệt hóa tế bào này như sau: tế bào gốc giống như một hòn đá lăn từ trên đỉnh núi xuốngchân và dừng lại ở những vị trí khác nhau, tương ứng với các loại tế bào khác nhau.
Cách minh họa này cho thấy tính chất một chiều của quá trình biệt hóa, giống như các hòn đá chỉ có thể lăn từ đỉnh xuống chân núi mà không thể tự lăn theo chiều ngược lại, và cũng không thể tự lăn ngang đến các vị trí khác, ứng với các loại tế bào khác nhau. [Scientific Background: Mature cells can be reprogrammed to become pluripotent, nobelprize.org.]

Con người đã từng chắc mẩm rằng đây là quá trình một chiều, từ tế bào gốc đa năng phát triển thành các tế bào chuyên biệt, giống như đá chỉ có thể lăn từ đỉnh núi xuống chân núi, chứ không thể có chiều ngược lại. Nhưng hai nhà khoa học nói trên đã chứng minh điều ngược lại cũng đúng: Tế bào trưởng thành cũng có thể được tái lập trình để trở thành tế bào gốc đa năng ban đầu! Như vậy, quá trình chuyên biệt hóa tế bào thực sự là quá trình hai chiều.

Ý tưởng và những công trình về nhân bản vô tính xuất hiện trước khi Wilmut tạo con cừu Dolly từ rất lâu. Đầu thập niên 1950s, Robert Briggs và Thomas King đã tạo ra một số con ếch bằng kĩ thuật nhân bản vô tính. [1952: Briggs & King clone tadpoles]

Năm 1962, John B. Gurdon thực hiện một thí nghiệm như sau: Loại bỏ nhân của một chiếc trứng ếch, và thay vào đó bằng nhân của một tế bào trưởng thành tách ra từ ruột của một con nòng nọc. Kỳ lạ thay, cái trứng ếch được đổi nhân đó đã phát triển thành một chú nòng nọc con hoàn toàn bình thường!

John Gurdon sử dụng tia tử cực tím để phá hủy nhân của trứng ếch (1).
Sau đó, ông thay thế nó bằng nhân lấy ra từ một tế bào ruột của một con nòng nọc (2).
Hầu hết các trứng được xử lý theo cách này đã không phát triển, nhưng một vài trứng trong số đó đã phát triển thành nòng nọc con hoàn toàn bình thường (3).
Điều này cho thấy, tất cả thông tin về gene cần thiết để tạo ra các tế bào khác nhau trong cơ thể của nòng nọc đều chứ đựng trong nhân của tế bào.
Các nghiên cứu tiếp theo cho thấy, các động vật có vú cũng có thể được nhân bản theo cách này (4)[1962: Did Gurdon clone frogs?]

Thí nghiệm của John B. Gurdon không chỉ cho thấy việc tái lập trình một tế bào đã trưởng thành là hoàn toàn có thể, mà còn xác nhận bằng thực nghiệm rằng: nhân tế bào là nơi mang toàn bộ thông tin về sự sống, và nhân của mọi tế bào khác nhau đều mang cùng một bộ gene giống nhau. Công trình của Gurdon đã mở đường cho hàng loạt nghiên cứu mới về nhân bản vô tính, mà nổi tiếng nhất là công trình tạo ra chú cứu nhân bản vô tính Dolly năm 1996 bởi Ian Wilmut.

Đến năm 1979, Karl Illmensee tuyên bố rằng ông đã thành công nhân bản 3 con chuột, nhưng bằng chứng thì … chưa ai thấy. [1979: The Illmensee controversy.]


Trong những năm sau đó, rất nhiều nhóm trên thế giới cũng đạt chút thành công về mặt kĩ thuật trong nhân bản vô tính, nhưng mãi đến ngày 23/2/1997, nhóm của Ian Wilmut đã thành công tạo ra một con cừu hoàn chỉnh bằng kĩ thuật nhân bản vô tính sau rất nhiều lần thất bại và phải vượt qua bao nhiêu vấn đề về kĩ thuật.

Thật ra, nói Ian Wilmut cũng không công bằng, bởi vì trong thực tế ông không biết kĩ thuật nhân bản vô tính và ông cũng không phải là tác giả của kĩ thuật đó; ông chỉ là … sếp. Người thật sự có công trong công trình con cừu Dolly là Tiến sĩ Keith Campbell và Tiến sĩ Prim Singh, hai chuyên gia về sinh học phân tử.

Trong phiên tòa tranh chấp về tác quyền, ông Wilmut thú nhận rằng ông chỉ đóng vai trò giám thị, chứ không tạo ra con cừu Dolly (ông nói: "I did not create Dolly").

Nhưng trớ trêu thay, khi nói đến Dolly người ta chỉ biết đến Wilmut, chứ chẳng ai biết đến Campbell và Sing!

Đã đến lúc phải ghi nhận công của hai chuyên gia âm thầm này. Phiên tòa này là một bài học quí báu cho tình trạng cướp công trong khoa học vốn rất phổ biến ngày nay, ngay cả ở Việt Nam. Nghiên cứu sinh và cộng sự làm cật lực, nhưng các sếp thì nghieem nhiên kí tên mình như là người phát kiến!

Khi thế giới xôn xao vì chú cừu Dolly – sản phẩm của nhân bản vô tính, ở Việt Nam có một nhà khoa học ngậm ngùi buồn, đó là cố GS.Nguyễn Mộng Hùng - một giảng viên Trường đại học Tổng hợp Hà Nội - bởi trước đó 20 năm, ông đã tạo dòng vô tính thành công trên đối tượng cá chạch khi còn là nghiên cứu sinh tại Liên Xô, tờ Nature đã đăng công trình nhân tạo dòng vô tính cá Chạch của nhóm các nhà khoa học ở Nga gồm KG Gasaryan, Nguen Mono Hung, AA Neyfakh, và VV Ivanenkov, trong số báo ra ngày 16-8-1979, tác giả Nguyễn Mộng Hùng (bài báo viết sai tên) là tác giả thứ hai.[Nuclear transplantation in teleost Misgurnus fossilis L. K. G. GASARYAN, NGUEN MONO HUNG, A. A. NEYFAKH & V. V. IVANENKOV Nature - 280, 585-587 16 August 1979]

Quay trở lại năm 1979, nhóm bốn nhà khoa học ở Nga – trong đó có cố GS. Nguyễn Mộng Hùng, khi đó đang là nghiên cứu sinh ở Đại học Tổng hợp Moscow - công bố một bài báo (Letter) 3 trang trên tạp chí Nature danh tiếng (số 280, trang 585-7), về một nghiên cứu nhân bản vô tính cá trạch, đó là công trình cấy nhân của một tế bào trưởng thành vào tế bào trứng cá trạch đã loại nhân trước đó. Trong bài báo này, nhóm các nhà khoa học ở Nga cũng đã trích dẫn các nghiên cứu của Gurdon trong phần tài liệu tham khảo.

Tuy công bố sau công trình tiên phong của Gurdon 17 năm, nhưng vào thời điểm năm 1979, thì đây là một lĩnh vực khoa học còn nhiều mới mẻ, nếu nhóm khoa học ở Nga có điều kiện theo đuổi và dấn sâu hơn thì có thể mang lại những khám phá lớn như đã được chứng minh cho các nhóm khoa học khác sau này.

Công trình tạo dòng vô tính thành công trên đối tượng cá chạch được công bố trước Wilmut 17 - 18 năm này có ý nghĩa đột phá trong lĩnh vực nhân bản vô tính nên trước đó đã được báo Công nghiệp Xã hội Chủ nghĩa (Nga) số ra ngày 21-12-1978 đã dành hẳn 1 trang để giới thiệu về nhà khoa học Việt Nam trẻ tuổi này, để có được khám phá quan trọng đó ông đã trải qua 1.500 lần thí nghiệm lặp đi lặp lại với những kim vi thao tác tự chế tạo.

Sau khi bảo vệ xong luận án, ông trở về Việt Nam với hoài bão tạo dòng cao sản các loại cá trê, mè, trắm... có giá trị kinh tế cao, thế nhưng lúc đó đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh nên cơ hội nghiên cứu tiếp và phát triển không còn nữa.

Tham gia giảng dạy tại Khoa Sinh trường Đại học Tổng hợp (nay là ĐHKHTN thuộc ĐHQG Hà Nội) ông đã không ngừng xây dựng đội ngũ nghiên cứu, trang bị lại phòng thí nghiệm và đặc biệt quan tâm đến việc trợ giúp các nhóm học sinh đi thi quốc tế về Sinh học. Những tấm huân chương của các cháu học sinh có mồ hôi, công sức quý giá của thầy Hùng.[1]

GS Nguyễn Lân Dũng, người cộng tác với ông trong việc thẩm định sách giáo khoa Sinh học bậc phổ thông cho biết "rất băn khoăn như ông vì không có quyền đóng góp về chương trình Sinh học, một chương trình rất không hợp lý và chả giống nước nào".[1]

Trong bất kỳ công việc nào ông cũng nhiệt tình, sôi nổi nhưng với thái độ rất nhã nhặn, hiền từ, đây ông dấn thân vào sự nghiệp nghiên cứu tế bào gốc phục vụ y tế và lôi cuốn các nhà khoa học nhiều trường, nhiều viện cùng tham gia. Nhà nước đã bắt đầu quan tâm và đầu tư khá thỏa đáng cho nhóm nghiên cứu của ông. Những thành công bước đầu của ông đã được báo Khoa học & Đời sống lựa chọn là một trong số 10 sự kiện khoa học nổi bật trong nước năm 2005.

Năm 2005, ông và các cộng sự tuyên bố đã tách và nhân nuôi tế bào gốc phôi chuột và sử dụng các tế bào gốc này để cứu sống chuột chiếu xạ liều gây chết. Thành công này mở ra triển vọng trong việc chữa trị nhiều căn bệnh ở người bằng tế bào gốc tại Việt Nam.

Hướng khoa học hoặc đề tài khoa học chủ yếu đã nghiên cứu của GS Hùng tập trung vào các nội dung: Ảnh hưởng của điều kiện khí hậu nóng ẩm lên sinh lý sinh sản chuột; sản xuất chế phẩm có hoạt tính sinh học: Huyết thanh ngựa chửa; tạo dòng vô tính ở cá xương; mẫu sinh ở cá; điều khiển giới tính động vật và công nghệ tế bào gốc động vật.

Ông đã công bố 26 bài báo khoa học và tham gia biên soạn 10 cuốn giáo trình và sách khoa học. Ngoài lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc ông còn tham gia vào nhiều đề tài có giá trị phục vụ ngay cho sản xuất. Chẳng hạn ông đã nghiên cứu cắt bỏ tuyến androgen ở tôm càng non nước ngọt để đảo giới tính tôm đực thành loại tôm cái giả. Hy vọng từ kết quả nghiên cứu này sẽ có thể tạo ra quần thể toàn là tôm càng đực (trọng lượng khi trưởng thành cao hơn tôm càng cái tới 30%)…

Các chương trình nghiên cứu về tế bào gốc đang ở giai đoạn tăng tốc thì ông lại vội vã đi xa vao trưa 20/6/2009, thọ 67 tuổi, Ông từng nhận các huy chương vì sự nghiệp Thuỷ sản, Giáo dục, Khoa học Công nghệ và các bằng khen của Bộ GD-ĐT với vai trò huấn luyện và dẫn đoàn học sinh Việt Nam đi thi Olympic quốc tế sinh học.

Tìm hiểu về ông mới thấy ngậm ngùi cho số phận của những nghiên cứu sinh ra ngoài học rồi về nước, hóa ra, số phận của nghiên cứu sinh hồi hương không phải chỉ xảy ra trong thời gian gần đây, mà đã xảy ra từ thập niên 1970s (và có thể trước đó), như trường hợp của GS Hùng.

Nước Việt Nam không thiếu những nhà khoa học tài giỏi. Những nhà khoa như Tôn Thất Tùng, Lương Định Của, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Văn Hiệu…. đều làm việc tại nước nhà và có nhiều cống hiến cho Tổ quốc, thế mà giai đoạn hiện nay, những nhà khoa học của chúng ta lại… nổi danh ở nước ngoài. Điều gì đã diễn ra để “nguyên khí quốc gia” phải xuất ngoại như vậy?

Làm nghiên cứu sinh ở Nga, trong lĩnh vực độc đáo và tiền phong, có công trình đăng trên Nature và vài tập san tiếng Nga, tuy chỉ là tác giả thứ hai trong bài báo trên Nature nói trên, nhưng do đã trực tiếp tham gia công trình này ở thời điểm còn rất sớm là năm 1979, nên nếu ông làm việc ở ở Anh hay Nhật, nếu ông là người Hàn Quốc hay ở Mĩ hay một nước Tây phương, thì chắc ông đã có một tương lai xán lạng, và có thể đóng góp nhiều cho khoa học quốc tế, nhiều khả năng sự nghiệp khoa học của ông đã phát triển rất tốt và gặt hái được những thành quả lớn hơn nữa.[2]

Thế nhưng, ông không phát huy được tài năng của mình ngay trên quê nhà. Suốt 4 thập niên sau đó, tên tuổi ông hầu như vắng bóng trên trường khoa học quốc tế. Đó là một kết cục đau buồn về sự nghiệp của một nhà khoa học đầy triển vọng, và đau buồn hơn là sự việc xảy ra ở Việt Nam.

Ông đã đi xa được hơn 4 năm, nhưng văng vẳng đâu đây vẫn như còn mơ ước của ông: có đủ điều kiện, cơ sở vật chất để nghiên cứu khoa học, công hiến cho đời.Nhưng đáng buồn hơn cả là giờ đây, khi đã là năm thứ 13 của thế kỷ XXI nhưng ước mơ nhỏ nhoi của ông khi về nước vẫn kéo dài đối với các nhà khoa học Việt Nam.

GS TSKH Lê Huy Bá - Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường, Đại Học Công nghiệp TP.HCM đã viết: “Nhà khoa học, kể cả được gửi đào tạo ở nước ngoài hay Việt kiều, họ đều mong muốn khi về nước, phải có đủ phương tiện, phòng thí nghiệm tối thiểu để làm việc, để khởi đầu hay thực thi ý tưởng khoa học mà họ nung nấu bấy lâu nay. Họ biết hoàn cảnh nước ta còn nghèo, lấy tiền đâu mà đòi hỏi cao! Nhưng vấn đề nơi làm việc và điều kiện làm việc là quan trọng nhất. Một số trường hợp khi về nước, về một cơ quan, sau một thời gian, không đủ điều kiện làm việc, đành rũ áo ra đi. Thậm chí, có trường hợp, giáo sư mà không có nổi một cái bàn làm việc và máy tính cho riêng mình, trong suốt nhiều năm. Điều này thật sự đáng lo ngại!

Trong thời gian 10 năm (từ 1996 - 2005), các nhà khoa học nước ta chỉ công bố 3.456 công trình nghiên cứu khoa học trên các tập san quốc tế theo chỉ số ISI. Kết quả này chỉ bằng 1/5 so với Thái Lan; 1/3 so với Malaysia; và 1/14 so với Singapore.

Trong thời gian từ 2006 đến 2010, VN chỉ có năm bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ, trung bình mỗi năm có một bằng sáng chế.

Trong năm 2009, các nhà khoa học đã khám phá được 19 loài động vật mới ở Việt Nam cho khoa học thế giới, kết quả trên là công trình hợp tác nghiên cứu của các nhà nghiên cứu động vật đến từ nhiều quốc gia như Mỹ, Úc, Trung Quốc, Nga, Đức, Pháp và Việt Nam.Vì sao chúng ta phải cần đến những sự hợp tác ấy, khi Việt Nam không thiếu các nhà nghiên cứu có tài, có tâm huyết và nhất là lợi thế ngay trên đất nước mình?

Nhìn sang hàng xóm, gần nửa số bài của Thái Lan là do các nhà khoa học Thái Lan viết và đứng tên tác giả. Trong khi đó, có đến 80% bài báo khoa học của các tác giả Việt Nam công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế là từ “hợp tác quốc tế”.

Trong lĩnh vực sinh học, 14 bài báo quốc tế công bố về các loài mới thì chỉ có 4 bài là các nhà nghiên cứu trong nước làm chủ bút, không có bài báo nào do các nhà nghiên cứu Việt Nam đứng tên độc lập bởi tất cả các khám phá giá trị này lại đều là công trình hợp tác của Việt Nam với các nước.

Điều này có thể xuất phát từ thực tế kinh phí cho nghiên cứu cơ bản ở nước ta còn hạn chế. Nhiều nhà nghiên cứu còn phải tự bỏ thêm tiền túi ra để có thể mở rộng không gian nghiên cứu cho mình. Nhưng liệu nghèo có phải là một lý do?

Thống kê cho thấy, kinh phí cho khoa học từ ngân sách nhà nước nay đã vượt 400 triệu USD/năm. Thế nhưng, các nhà khoa học Việt Nam chỉ độc lập đứng tên công bố quốc tế bình quân 80 bài báo khoa học/năm trong suốt 10 năm. Không chỉ thế, nếu xét riêng về công bố quốc tế từ nội lực (tức là tự mình làm được) – sự tụt hậu của chúng ta lại càng lớn hơn.

Về ngân sách nghiên cứu, năm 2006 là 428 triệu USD, chiếm khoảng 0,17% GDP; năm 2012 tăng lên 653 triệu USD (13.000 tỷ VND), chiếm khoảng 0,27% GDP, tỷ lệ này cao hơn so với mức độ đầu tư ở Indonesia (0,05% GDP) và Philippines (0,12% GDP), nhưng thấp hơn so với Thái Lan (0,3% GDP, 1,79 tỉ USD), Malaysia (0,5% GDP, 1,54 tỉ USD) và Singapore (2,2% GDP, 3 tỉ USD). [3]

Tính trung bình cứ một triệu USD thì VN công bố được tám công trình khoa học trên các tập san quốc tế. Hiệu suất này tương đương với Thái Lan và Indonesia, có phần cao hơn so với Malaysia và Philippines (6 bài/1 triệu USD), nhưng thấp hơn Singapore nơi có hiệu suất cao nhất với 13 bài báo/1 triệu USD.

Ngân sách Nhà nước dành tới 40% cho đầu tư phát triển nhưng còn sử dụng chưa đúng mục đích, cơ cấu phân bổ giữa trung ương và địa phương còn bất hợp lý (trung ương 43%, địa phương 57%). Nhiều địa phương sử dụng kinh phí dành cho KH - CN chưa đúng mục đích, hiệu quả kém, rút cuộc xảy ra hiện tượng trả lại tiền ngân sách đã cấp.

Trong hoàn cảnh ngân sách hạn hẹp, Chính phủ đã phải cắt giảm nhiều khoản chi từ chi thường xuyên, chi ngân sách đến đầu tư công. Khá nhiều cơ sở, ngành lao đao vì bị cắt giảm, đành giật gấu vá vai, tùng tiệm để hoàn thành nhiệm vụ.

Trong khi đó, theo các thông tin chính thức lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ lại thừa tiền, tiêu không hết! Bộ KH&CN cho biết, năm 2007 đã trả lại ngân sách Nhà nước 125 tỷ đồng kinh phí nghiên cứu khoa học! Con số tăng lên mỗi năm, theo báo cáo Ngân sách năm 2011 trước Quốc hội, tất cả các ngành đều chi tiêu vượt dự toán, riêng lĩnh vực khoa học thì trả lại Nhà nước gần 1 nghìn tỷ đồng.

TSKH Phạm Đức Chính công tác tại Viện Cơ học thuộc Viện KH và CN Việt Nam nói: “Quả thật, thiết bị nghiên cứu ở ta chưa thể đầy đủ và trang bị hoàn hảo như các nước tiên tiến: Anh, Nhật, Mỹ, châu Âu… Nhưng hãy nhìn thử xem biết bao thiết bị đắt tiền và 18 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp quốc gia đã được đầu tư nhưng không được khai thác hiệu quả? Các thiết bị đó đã dẫn tới bao nhiêu bài báo công bố quốc tế và có được hiệu quả kinh tế - công nghệ bù đắp được giá trị các thiết bị được mua? Phải chăng các thiết bị được đầu tư chưa đúng lúc hay chưa đúng chỗ?



Nguồn tham khảo:
[1] - GS Nguyễn Lân Dũng, “Người công bố nhân bản vô tính cá trạch vừa đi xa”, Tạp chí Tia Sáng, 24/6/2009.
[2] - TS Giáp Văn Dương - Trao đổi riêng với GS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, tối 8/10/2012.
[3] - Nguyễn Văn Tuấn & Phạm Thị Ly.
Thời báo Tài chính Việt Nam và các trang mạng nước ngoài đã dẫn link.


Trị bệnh bằng tế bào gốc còn quá xa vời?

07:43' 23/01/2008 (GMT+7)
 Đã có nhiều tiến bộ hơn, kể cả ở Việt Nam trong nghiên cứu chữa bệnh với nguồn "thuốc điều trị" từ tế bào gốc. Tuy nhiên, khả năng ứng dụng còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Trong đó, đáng kể nhất là yếu tố luật pháp.


Xoay quanh vấn đề trị bệnh bằng tế bào gốc, GS-TS Nguyễn Mộng Hùng, Khoa Sinh học, ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội (ĐH Quốc gia Hà Nội), một trong những chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam về lĩnh vực tế bào gốc trả lời phỏng vấn của phóng viên VietNamNet.
 
- Gần đây, đã có một số công bố về việc tạo tế bào gốc từ da người, hay từ phôi thai người, động vật... Có phải, điều này cho thấy nhân loại ngày càng tiến gần hơn đến ứng dụng các phương pháp trị liệu bằng tế bào gốc? 

GS-TS Nguyễn Mộng Hùng: Tế bào gốc là loại tế bào chưa biệt hoá, có nhiều tiềm năng - có thể biến thành nhiều loại tế bào khác. Phân biệt tế bào gốc từ phôi, từ thai và từ cơ thể trưởng thành.

Thường người ta phân lập các tế bào gốc từ giai đoạn phôi. Những thành tựu khoa học mới đây nhất đã cho thấy, từ cơ thể trưởng thành chúng ta đã có thể tách thành các tế bào gốc và từ đó có thể chuyển hoá thành nhiều loại tế bào khác.

Cụ thể, là từ tế bào da của người trưởng thành chuyển hoá thành các tế bào gốc, thông qua phương pháp chuyển - mở một số gen trong nhân tế bào và làm cho chúng trở thành dạng sơ khai, dạng gốc ban đầu.

Việc này đưa lại nhiều triển vọng rất lớn trong trị liệu, ví như khi cơ thể của một ai đó bị thoái hoá các cơ tim chẳng hạn, thì người ta lấy tế bào gốc của chính người đó để chuyển hoá thành tế bào cơ tim và nuôi dưỡng chúng thành các cơ tim rồi làm các thủ thuật thay thế. Việc này đối với khoa học ngày nay là có thể làm được. Đặc biệt và mang tính cách mạng trong y sinh học là gần đây người ta đã có thể giữ lại bộ khung tim, gieo cấy tế bào gốc vào bộ khung đó và tạo được tim hoạt động.

Trong quá trình nghiên cứu, người ta đã phân lập ra được tế bào gốc từ nhiều loại tế bào khác nhau, từ phôi, thai, từ máu, từ tế bào máu kinh, gần đây là từ tế bào da của người trưởng thành. Và từ tế bào gốc, các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu thành công việc chuyển hoá chúng thành các loại tế bào, các loại mô, cơ khác nhau của cơ thể như tế bào thần kinh, tế bào máu, cơ tim, giác mạc mắt v.v... Với tế bào gốc từ cuống dây rốn, người ta đã có thể chữa được một vài bệnh như bệnh liệt, tuỷ sống, bỏng...

Trên báo chí đã từng viết về những thành công như vậy trên người tại một số nơi trên thế giới, còn trên các tạp chí chuyên ngành hẹp thì việc công bố những thành tựu khoa học như vậy chưa có nhiều, thậm chí tôi còn chưa gặp.


- Hiện ở Việt Nam đang có những dự án thành lập ngân hàng tế bào gốc (NHTBG).... Như vậy, triển vọng trị liệu bằng tế bào gốc ở nước ta là một hiện thực rất gần. Là một chuyên gia, ông có nhận thấy đúng là như vậy không? 


- Mặc dù khoa học đã có khá nhiều thành công trong việc nghiên cứu tế bào gốc, nhưng không phải là mọi sự đã thuận lợi - vì khoa học còn chưa biết được - liệu các tế bào gốc sau khi được chuyển hoá thành các loại mô, cơ, tế bào khác thì sẽ tồn tại được bao nhiêu lâu, chúng có bị thoái hoá không, chúng có thể tiếp tục phát triển sang một hướng khác như trở thành các tế bào ung thư hay không v.v... Tất cả những điều này phải chờ thời gian và chờ những nghiên cứu thực nghiệm tiếp theo mới rõ được. Hơn nữa, hầu hết các nghiên cứu tế bào gốc trong quá khứ về cơ bản là được làm trên động vật, còn các nghiên cứu thực nghiệm trên người chỉ mới gần đây và còn rất hạn chế do nhiều yếu tố.

- Nhưng với các ngân hàng tế bào gốc sắp được thành lập ở Việt Nam theo như được biết thì các tế bào gốc sẽ được khai thác từ nguồn cuống dây rốn do các đối tượng gửi vào... Điều đó có mang lại một triển vọng lạc quan hơn? 


- Việc chữa bệnh với nguồn "thuốc điều trị" từ tế bào gốc của chính cơ thể người bệnh hay từ cơ thể người khác, là còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó đáng kể nhất yếu tố luật pháp. Luật không cho phép thì không thể làm gì được - và nếu điều luật không "kín kẽ" sẽ dẫn đến việc người ra lợi dụng để buôn bán, thương mại hoá.

Về luật pháp, nhiều quốc gia trên thế giới không cho phép sử dụng phôi người, thai người (ngay cả thai đã được "nạo" bỏ đi) vào việc nghiên cứu hay sử dụng nó để tạo ra các sản phẩm thương mại... Còn với tế bào gốc khai thác từ cuống dây rốn (từ máu dây rốn, từ màng dây rốn, từ máu kinh nguyệt phụ nữ....) chắng hạn thì công việc thuận lợi hơn nhiều.


Nhà khoa học Phan Toàn Thắng đã nghiên cứu thành công trong phân lập, nhân nuôi và cho biệt hóa các tế bào gốc màng dây rốn và có patent (bằng sáng chế) nữa, nhưng việc chuyển giao các thành quả nghiên cứu này về nước cũng còn khá nhiều yếu tố cần quan tâm như ai tiếp quản, điều kiện tiếp quản, ai sẽ là người tiếp tục nghiên cứu hay ứng dụng thành quả nghiên cứu này...

Bên cạnh đó là nếu chúng ta thành lập NHTBG từ dây rốn của các cơ thể sơ sinh, thì phải làm quy củ, và thậm chí là phải mua công nghệ chứ. Đặc biệt, tế bào gốc từ dây rốn có thể chữa các bệnh về bỏng rất tốt, thay thế nhanh và do biểu bì da không có máu, tính xung khắc miễn dịch không cao... cho nên nếu sử dụng vào chữa bỏng thì rất tốt, hiệu quả - sau này nếu có chuyện đào thải của cơ thể thì cũng không sao vì khi đó các vết bỏng đã lành, các lớp biểu bì mới sẽ thay thế và đẩy lớp cũ đi.


Sơ đồ tạo tế bào gốc từ da người... Một thành tựu đáng chú ý trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc trong năm 2007. (Ảnh: NY Times)

- NHTBG gốc ở Việt Nam sẽ hoạt động như thế nào để đáp ứng nhu cầu trị bệnh? 

- Khi chúng ta có NHTBG thì mọi chuyện tiếp theo cũng đơn giản thôi. Các tế bào (từ cuống dây rốn của trẻ sơ sinh chẳng hạn) được tách ra, nuôi cấy và được lưu giữ trong ni-tơ lỏng. Những việc tiếp theo chỉ đơn giản là cần trả phí khoảng 100 USD/năm/1 hồ sơ là ổn.

Với hàng vạn, hàng triệu hồ sơ tế bào gốc từ cuống dây rốn của các trẻ sơ sinh, thì trong tương lai chúng ta có nhiều triển vọng hợp tác với các nước trên thế giới trong việc chữa bệnh cho chính những người có hồ sơ trong NHTBG - hoặc cho những người có dữ liệu về sinh học tương đồng.

- Khi đã có tế bào gốc trong NHTBG, thì việc thay thế một tổ chức cơ quan nào đó cho người bệnh được tiến hành có thuận lợi không, thưa giáo sư? 

- Việc thay thế một cơ quan nội tạng nào đó dựa trên nguồn tế bào gốc trên thực tế chỉ có thể áp dụng trong một số trường hợp, và cũng cần cả thời gian nữa, chứ không phải bệnh nào cũng chữa được.

Trong trường hợp cần thay tim ngay do tai nạn chẳng hạn, thì không thể chờ nhân nuôi và phát triển cả một quả tim từ tế bào gốc được. Tuy nhiên, ứng dụng sẽ dễ dàng thành công trong trường hợp các bệnh có thời gian để... chờ, như với bệnh suy tuỷ xương, hay vá da do bỏng, ghép giác mạc chẳng hạn..., nói tóm lại là với những loại bệnh không bị sức ép thời gian...

- Trên trường quốc tế, việc hình thành NHTBG của Việt Nam có đem lại điều gì đặc biệt không, thưa giáo sư? 

- Khi thành lập NHTBG, chúng ta sẽ hoà vào với cả mạng lưới NHTBG của thế giới, với những xét nghiệm, những cơ sở dữ liệu đầy đủ cho mỗi hồ sơ.

Từ đó, khi gặp những ca bệnh cần chữa trị thì việc đối chiếu các xét nghiệm, đối chiếu hồ sơ qua hệ thống dữ liệu của toàn hệ thống sẽ tìm ra được những hồ sơ tế bào gốc nào là thích hợp nhất, ít gây ra xung khắc miễn dịch nhất để đưa ra hướng giải quyết, điều trị bệnh.

Ví dụ như bệnh nhân A ở Ấn Độ có thể trao đổi, điều đình với chủ nhân B của hồ sơ tế bào gốc tại Việt Nam thông qua luật sư, khi vấn đề được giải quyết, cũng đồng nghĩa với việc có thu nhập. Tức là việc thương mại hoá vấn đề này trong tương lai là hoàn toàn có thể.

- Hiện ngày càng có nhiều thông tin về thành tựu nghiên cứu tế bào gốc trên thế giới... Ở Việt Nam, các nhà khoa học đã có đạt được những kết quả gì trong lĩnh vực này?


- Từ năm 2003 đến nay, trong quá trình nghiên cứu về tế bào gốc, chúng tôi đã đạt được một số thành quả đáng kể. Có thể kể ra đây đề tài khoa học cấp nhà nước KC 04.24 về nghiên cứu công nghệ tế bào gốc với đối tượng nghiên cứu là gà  chuột. Chuyện tạo ra những chú gà khảm là một ví dụ.

Các tế bào gốc từ phôi gà Lương phượng (gà có lông màu đỏ) đã được các nhà khoa học tiêm cho phôi của gà ác tiềm (gà có lông trắng hoàn toàn). Gà con nở ra là gà khảm (con gà ác với bộ lông của gà Lương phượng). Một ví dụ khác của nghiên cứu với những con chuột được chiếu xạ liều 900 Rơnghen. Chỉ sau 1 tuần, chúng bị chết hết do tuỷ xương, hồng cầu, bạch cầu và các tế bào tạo máu bị phá huỷ. Tuy nhiên, khi lấy tế bào gốc từ phôi chuột tiêm vào những con chuột bị chiếu xạ đó thì chúng được cứu sống - chứng minh được là tế bào gốc của chuột có thể tạo máu, hay nói cách khác, có thể thay thế các tế bào bị chết trong cơ thể bằng tế bào gốc. Điều này mở ra triển vọng điều trị nhiều căn bệnh trên người bằng tế bào gốc. 

Những chú gà khảm 1 ngày tuổi được các nhà khoa học VN tạo ra với mục đích dùng gà để sản xuất thuốc (Ảnh: Tạp chí Hoạt động khoa học) 

Nói gọn thì trên thế giới có 2 hướng liên quan đến công nghệ tế bào gốc: hướng nghiên cứu tế bào gốc nhằm mục đích trị liệu (đang được nhắc đến nhiều trong dư luận xã hội) và hướng nghiên cứu thứ hai (ít được nói đến hơn) - đó là hướng nghiên cứu tế bào gốc để tạo ra những loài động vật chuyển gen.

Thực tế giải Nobel vừa rồi là đi theo hướng thứ hai này - tạo những động vật chuyển gen, nhưng là những mô hình bệnh, nếu sử dụng tế bào gốc để xử lý, để nuôi tế bào gốc in-vitro rất thuận lợi (ví dụ tế bào có gien gây bệnh thiếu máu, gien gây bệnh Alhizemer...) và đánh bật gien gây bệnh ra bằng cách thay gien lành vào, Các tế bào này sẽ cứu sống được con vật đó - Đó cũng là triển vọng rất lớn của hướng nghiên cứu này (dùng tế bào gốc để tạo động vật chuyển gien). Hướng nghiên cứu của chúng tôi nhằm mục đích dùng động vật để tạo ra những protein của người (ví như việc sử dụng chuột để sản xuất kháng thể, có thể chữa được bệnh cho người là chuyện khoa học đã giải quyết được rồi...)

- Để phát triển các nghiên cứu về tế bào gốc thì kinh phí đầu tư kinh phí tối thiểu là bao nhiêu, và có điều gì cần bàn quanh vấn đề khung pháp lý không, thưa giáo sư?

-
 Một số quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc ủng hộ việc tạo ra phôi người qua nhân bản vô tính, rồi từ đó tách tế bào gốc để điều trị bệnh. Kinh phí đầu tư lên tới hàng trăm triệu đôla, với đội ngũ chuyên gia lên tới hàng trăm người.

Còn với chúng ta, việc đầu tư cho các trang thiết bị nghiên cứu là không lớn, để có được một phòng thí nghiệm có thể nghiên cứu về tế bào gốc thì tối thiểu cần 5-7 tỉ đồng. Nhưng có nhiều việc đằng sau chuyện đầu tư kinh phí, ví như cơ chế tuyển người làm việc, hay quyền của người chủ trì công việc giữ lại những chuyên gia tay nghề cao do chính mình đào tạo chẳng hạn, thì lại rất quan trọng.

Làm các nghiên cứu về tế bào gốc trên động vật thì đơn giản hơn. Nhưng sau này, khi tạo ra những sản phẩm dược liệu (tế bào hay dược chất) có thể đem ứng dụng chữa bệnh cho người được thì rất cần đến nhiều xét nghiệm mà khung pháp lý đòi hỏi. Ngoài việc đưa ra các số liệu về lợi ích, về thành quả của các nghiên cứu của mình, nhà khoa học cần phải tính toán đến cả những yếu tố trái chiều để cảnh báo xã hội.

- Xin cảm ơn Giáo sư.
  • Hà Hiệp thực hiện 


Lý lịch khoa học Gs Nguyễn Mộng Hùng

(ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

I - Sơ lược tiểu sử bản thân.


1. Họ và tên:                Nguyễn Mộng Hùng               
2. Ngày, tháng, năm sinh:         15 – 01 – 1942,  Giới tínhNam, Dân tộc : Kinh
3. Đảng viên Đảng CSVN: Không
4. Quê quán:    Song hồ, Thuận thành, Bắc ninh
5. Chỗ ở hiện nay:        611 Đường La thành, Tổ 2B, phường Thành công, Ba đình, Hà nội
6. Địa chỉ liên hệ:          Bộ môn Tế bào-Mô-Phôi và Lý sinh học, Khoa Sinh học
                                   trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà nội
7. Cơ quan công tác hiện nay:  Khoa Sinh họcTrường Đại học Khoa học Tự nhiên
                                                           Đại học Quốc gia Hà nội.
8. Địa chỉ cơ quan:                   334. Nguyễn Trãi, Thanh xuân, Hà nội
9. Điện thoại:    Cơ quan (04)5588479, Nhà riêng: (04) 7843631, Di động: 0904243556
10. Địa chỉ E-mail:                   monghung333@hn.vnn.vn
11.  Chức vụ hiện nay: Giáo sưTrưởng Phòng Công nghệ Tế bào Động vật Chức vụ cao nhất: Chủ nhiệm Bộ môn (1997-2003)
12. Năm được cấp bằng đại học: 1967, thuộc ngành: Động vật học, chuyên ngành: Phôi sinh học
      Năm được cấp bằng thạc sỹ: 1967, thuộc ngành: Động vật học, chuyên ngành: Phôi sinh học
       Năm được cấp bằng tiến sỹ: 1978, thuộc ngành: Động vật học, chuyên ngành: Phôi sinh học
13. Năm được phong Phó Giáo sư: 1991, phong Giáo sư : 2005
14. Hệ số lương hiện nay:                    7,64

II. Quá trình công tác

Thời gian
Chức vụ, nơi công tác

1967-1970

1971-1975

1975-1978


1978- 1983

1983-1986

1986 tới nay


Cán bộ nghiên cứu. Phòng Sinh học, Viện nghiên cứu Liên hợp, UBKH &KT Nh à nước (nay là  TT KHCN Quốc gia)
Cán bộ giảng dạy. Khoa Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp Hà nội

Nghiên cứu sinh tại  Khoa Sinh học , ĐHTHợp Mat xcơ va, Liên xô (cũ)

Cán bộ giảng dạy. Khoa Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp Hà nội

Chuyên gia giáo dục tại Khoa Y, ĐHTHợp Angola, Châu Phi

Khoa Sinh, ĐHTHợp Hà nội, nay là ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà nội


III. Thành tích khoa học


1. Các hướng khoa học hoặc đề tài khoa học chủ yếu đã nghiên cứu :

-  Nghiên cứu ảnh hưởng của điều kiện khí hậu nóng ẩm lên sinh lý sinh sản chuột.
-  Sản xuất chế phẩm có hoạt tính sinh học:  Huyết thanh ngựa chửa
-  Tạo dòng vô tính  ở cá xương
-  Mẫu sinh ở cá .
-  Điều khiển giới tính động vật
-  Công nghệ tế bào gốc động vật

2. Các sách đã biên soạn:

Phôi sinh học hiện đại.  NXB Khoa học và Kỹ thuật.  Tác giả Bodemer. Dịch từ tiếng Nga. 1978
1.      Di truyền học . NXB Nông nghiệp, 1982. Tác giả :Petrov. Dịch từ tiếng Nga
2.      Những vấn đề Sinh lý sinh thái cá. 1983. Viết cùng một số tác giả khác.
3.      Bài giảng Sinh học Phát triển. NXB KH và KT , 1993.
4.      Sinh học. NXB Giáo dục, 1997. Sách dịch từ tiếng Anh. Hiệu đính toàn bộ và tham gia dịch một phần.
5.      Công nghệ tế bào phôi động vật. 2004. NXB Đại học Quốc gia.
6.      Thực tập sinh học Phát triển. (Chủ biên). 2004. NXB Đại học Quốc gia.
7.      Công nghệ sinh học tế bào (Vũ văn Vụ, Lê Hồng Điệp, Nguyễn Mộng Hùng), 2005, NXB Giáo dục
8.      Công nghệ sinh học phân tử . NXB KH&KT , 2007. (sách dịch từ Molecular Biotechnology. Tác giả Glick B.R., Pasternak J.J. . ASM press, Washington DC, 2003)

3. Một số các công trình khoa học chủ yếu

1.      Nguyen Mong Hung, Gasaryan, K.G. Transplantation of somatic cell nuclei in the activated teleostean (Misgurnus fossilis L.) eggs. The soviet Journal of Developmental Biology, V. 9, N0. 1, (1978).
2.      Gasaryan, K.G., Nguyen Mong Hung, Neyfakh, A.A., Ivanenkov, V.V. Nuclear transplantation in teleost Misgurnus fossilis LNature, Vol. 280, pp. 585-587 (1979).
3.      Nguyễn Như Hiền, Nguyễn Mộng Hùng, Lê Xuân Cương, Nguyễn khắc Khánh. Điều chế và sử dụng huyết thanh ngựa chửa ở Việt namTuyển tập các công trình nghiên cứu, Viện Chăn nuôi, NXB Nông nghiệp, (1980).
4.      Hung N.M., Ivanov, E.A., Dabagyan, I.V. Transplantation of nuclei of the goldfish blastomeres in the loach eggs. The soviet Journal of Developmental Biology, V. 12, N0 4, (1981).
5.      Nguyễn Mộng HùngNghiên cứu mẫu sinh ở cá trê ta Clarias fuscus và cá trê phi Clarias lasera. Tạp chí Khoa học và Kỹ thuật Nông nghiệp, Số 2, (1985).
6.      Nguyễn Mộng Hùng. Nghiên cứu áp dụng kỹ thuật cấy nhân trên cá trê Clarias fuscus L. Tạp chí Di truyền học và ứng dụng, Số 3, (1993).
7.      Nguyễn Mộng Hùng, Nguyễn Lai Thành. Nghiên cứu sự lưỡng tính ở lươn sống ở các khu vực ngoại thành Hà nội. Tạp chí Di truyền học và ứng dụng, Số 3, (1995).
8.      Nguyễn Mộng Hùng, Nguyễn Lan Hương. Nghiên cứu kiểu nhân của lươn, Monopterus albus(Zuiew), sống ở hai miền Nam và Bắc Việt namTạp chí Di truyền học và ứng dụng, Số 4, (1996).
9.      Nguyễn Mộng Hùng, Hoàng Minh Hòa. Nghiên cứu hình thái và kiểu nhân cá sóc Orizias latipes (Temminsk & Schlegel, 1846) sống ở các khu vực ngoại thành Hà nộiTạp chí Di truyền học và ứng dụng, Số 1, (1997).
10.  Nguyễn Mộng HùngNghiên cứu khả năng mẫu sinh ở loài cá diếc Carassius auratus L. hồ Tây.Tạp chí Di truyền học và ứng dụng, Số 2, (1999).
11.  Võ Thương Lan, Nguyễn Mộng Hùng, Nguyễn Dương Dũng. Nghiên cứu sự sai khác di truyền giữa hai tập đoàn lươn Monopterus albus (Zuiew) thuộc hai miền nam và bắc Việt nam bằng kỹ thuật RAPD-PCRTạp chí Di truyền học và ứng dụng, Số 2, (2000).
12.  Nguyễn Mộng Hùng, Võ thương Lan, Nguyễn Lai Thành,Trịnh Đình Đạt. Nghiên cứu sự sai khác di truyền giữa hai tập đoàn lươn, Monopterus albus (Zuiew), thuộc hai miền Nam và Bắc Việt namTuyển tập công trình Hội nghị Sinh học Quốc gia tháng 8 năm 2000, NXB Đại học Quốc gia Hà nội, tr. 386-389 (2000).
13.  Nguyễn Mộng Hùng, Bùi Việt Anh. Ăn rau răm (Polygonum odoratum Lour) ảnh hưởng lên cấu trúc mô học tinh hoàn và buồng trứng chuột thí nghiệmTạp chí Y-Dược học quân sự, Tập 28, Số 3, tr. 23-26 (2003).
14.  Nguyễn Mộng Hùng, Chu Văn Trung. Ảnh hưởng của cắt mắt tới cấu trúc tuyến androgen ở tôm càng Macrobrachium nipponens de Haan. Tạp chí Sinh học, Tập 25, Số 2A, tr. 146-148 (2003).
15.  Nguyễn Mộng HùngHình thái và cấu trúc tuyến androgen ở tôm càng Macrobrachium nipponens de HaanTạp chí Di truyền học và ứng dụng, Số 1, (2003).
16.  Nguyễn Mộng Hùng, Lê Thị Nam Thuận. Nghiên cứu một số đặc điểm của quá trình phát triển mô học của dịch hoàn cá trê Clarius fuscus (Lacepède, 1803) ở tỉnh Thừa thiên – HuếTạp chí Sinh học, Tập 25, Số 1A, (2003).
17.  Nguyễn Mộng Hùng, Bùi Việt Anh. Cắt bỏ tuyến androgen gây chuyển đực sang cái ở tôm càngMacrobrachium nipponenese De HaanTạp chí Di truyền và ứng dụng, Số 1, tr. 31-36 (2004).
18.  Nguyễn Mộng Hùng, Chu Văn Trung, Bùi Việt Anh, Phan Ngọc Quang, Vũ Minh Đức, Hà Minh Hiệp, Thân Thị Trang Uyên, Nguyễn Hoàng Thịnh. Nuôi cấy tế bào gốc phôi gà (Gallus Gallus Domesticusin vitro. Những vấn đề nghiên cứu cơ bản trong sự sống định h­ướng sinh-y học. Tuyển tập Báo cáo Khoa học. NXB KH&KT, tr. 235-238 (2004).
19.  Nguyễn Mộng HùngTheo dõi tế bào gốc sinh dục trong phát triển phôi sớm ở gà và chim cút.Tạp chí Khoa học-Khoa học Tự nhiên và Công nghệ. Đại học Quốc gia Hà nội. T.XXI, Số 1, tr. 19-23 (2005).
20.   Nguyễn Mộng Hùng, Chu Văn Trung, Hà Minh Hiệp, Bùi Việt Anh, Phùng Đức Tiến, Bạch thị Thanh Dân, Phạm Nguyệt Hằng, Nguyễn Duy Điều. Tạo gà ác tiềm khảm Lương phượng bằng vi tiêm tế bào gốc phôi. Tạp chí Khoa học- Khoa học Tự nhiên và Công nghệ. Đại học Quốc gia Hà nội, T.XXI, Số 2, tr. 1-4 (2005).
21.   Phan Tuấn Nghĩa, Nguyễn Mộng Hùng, Nguyễn Thị Vân Anh, Nguyễn Quốc Trung, Nguyễn Thị Thảo, Nguyễn Tuấn Anh, Vũ Phương Ly. Xác định giới tính gà bằng kỹ thuật PCRTạp chí Khoa hcĐHQGHN, KHTN&CN. T.XX. Số 2 PT, tr. 156-161 (2004).
22.   Nguyễn Mộng Hùng, Phan Ngọc Quang, Nguyễn Thị Thơm. Phân lập và nuôi cấy tế bào gốc sinh dục ở gà. Tuyển tập báo cáo. Hội nghị khoa học toàn quốc 2005 – Công nghệ Sinh học trong nghiên cứu cơ bản – Hướng 8.2, Hà nội, tr. 241-244 (2005).
23.   Nguyễn Mộng Hùng, Nguyễn Hoàng Thịnh, Bùi Việt Anh, Nguyễn Thị Hoa. Phân lập và nhân nuôi tế bào gốc phôi chuột nhắt trắng dòng SwissTạp chí Di truyền học và ứng dụng, Số 3, tr. 17-21 (2005).
24.   Nguyễn Hoàng Thịnh, Bùi Việt Anh, Nguyễn Mộng HùngSử dụng mô hình chuột chiếu xạ để nghiên cứu vai trò tạo máu của tế bào gốc phôiTuyển tập báo cáo. Hội nghị khoa học toàn quốc 2005 – Công nghệ Sinh học trong nghiên cứu cơ bản – Hướng 8.2, Hà nội, tr. 309-311 (2005).
25.   Nguyen Mong Hung. Obtaining chicken chimera Actiem-Luong phuong by the injection of embryonic stem cells. Proceeding of the 2nd Asian Reproductive Biotechnology Conference,Bangkok, Thailand. pp. 18-21 (2005).
26.   Lê Văn Ty, Hoàng Nghĩa Sơn, Nguyễn Mộng Hùng. Tạo phôi trâu đầm lầy Việt nam bằng thụ tinhin vitroTạp chí Sinh vật học, 27 (3), tr. 82-87 (2005).
27.  Tran Ngoc Tung, Nguyen Van Nhuong, Bui Viet Anh, Nguyen Hoang Thinh, Nguyen Mong HungThe transfection of pAcGFP1-actin vector into culturing chicken embryonic stem cellsProceedings of the 3th annual conference of the Asian Reproductive Biotechnology Society, Hanoi, Vietnam, pp. 20-23 (2006).
28.   Nguyen Hoang Thinh, Bui Viet Anh, Nguyen Mong HungThe use of mouse model for the study of the haemopoietic role of the embryonic stem cells. Proceedings of the 3th annual conference of the Asian Reproductive Biotechnology Society, Hanoi, Vietnam, pp. 122-124 (2006).

29.   Lê Văn Ty, Hoàng Nghĩa Sơn, Nguyễn Mộng Hùng. Kích thước quần thể nang nguyên thuỷ và phản ứng trả lời sự kích thích gây rụng nhiều trứng ở trâu và bò. Tạp chí Sinh vật học, 29, Số 1, tr. 51-54 (2007).

4. Công tác đào tạo

Hướng dẫn nhiều luận văn và khoá luận tốt nghiệp
Hướng dẫn thành công 3 luận văn thạc sỹ khoa học
Hướng dẫn thành công 1luận án tiến sỹ khoa học
Đang hướng dẫn 2 luận án tiến sỹ khoa học

IV. Khen thưởng:

- 1 huy chương vì sự nghiệp Thuỷ sản, - 1 huy chương vì sự nghiệp Giáo dục, - 1 huy chương vì sự nghiệp Khoa học Công nghệ - 7 bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong công các huấn luyện và dẫn đoàn học sinh Việt nam đi thi Olympic quốc tế sinh học

5 nhận xét:

  1. Bác Khoằm thức đêm ghê nhỉ.Cho em share bài này lên fb.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lâu quá mới thấy, nick fb là gì thế, add tớ đi để tớ add vào nhóm Multyply ở đó.

      Xóa
    2. Thức làm cái bài này cho nhn.pham bên fb chứ không để lâu nó nguội đi rồi quên mất

      Xóa
    3. Chết cha qua fb coi mới thấy cậu là nhn.pham, khỉ thật dạo này đầu óc chán kinh, nhn = Người Hà Nội, khỉ thật, mình chán mình quá.

      Xóa
  2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa